Tổ chức livestream giới thiệu dự án trên nền tảng mạng xã hội Facebook, hay kênh Youtube, ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR, chụp ảnh, video 3D trên các sàn giao dịch trực tuyến… đủ các hình thức như thế này được các doanh nghiệp bất động sản sử dụng để duy trì hoạt động bán hàng.
Tuy nhiên, theo đại diện các sàn giao dịch, hiện các công nghệ này chỉ dừng lại ở việc giới thiệu thông tin của dự án, giúp cho nhân viên giữ liên lạc kết nối với khách hàng trong mùa dịch.
"Sử dụng kênh online tiếp cận khách hàng chưa phát huy hết lợi thế, đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của khách hàng. Thực ra đây là việc khó, bản thân chúng tôi cũng tìm cách để thích nghi, cố gắng duy trì vận hành của doanh nghiệp của mình trong bối cảnh này, vì vậy không thể đạt được hiệu quả tối đa như kỳ vọng. Tuy nhiên, việc này tạo ra sự lạc quan cho tất cả mọi người đang được làm việc trong bối cảnh này", ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc DKRA Việt Nam cho hay.
Thực tế, các giao dịch bất động sản thành công phải đi qua nhiều bước từ tìm hiểu thông tin, khảo sát thực tế dự án, kiểm tra tính pháp lý mới chốt giao dịch thì đa phần các kênh bán hàng online hiện chỉ dừng lại ở bước số 1.
Bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết: "Công nghệ trực tuyến hay những cái chúng tôi gọi là công nghệ đầu tư vào bất động sản ở thời điểm hiện tại cũng chỉ dừng lại ở việc giúp khách hàng xem sản phẩm, kiểm tra tính năng của sản phẩm đó, chưa đưa ra các giải pháp toàn diện từ A tới Z".
Dịch kéo dài, siết chặt giãn cách xã hội khiến cho giao dịch thị trường bất động sản dường như rơi vào tình trạng "đóng băng". Ảnh minh họa - Dân trí.
Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, công nghệ ứng dụng trong bất động sản ở Việt Nam chủ yếu là trên các nền tảng mang tính phổ dụng.
Làn sóng dịch thứ 4 đang khá nặng nề như một chất xúc tác khiến các doanh nghiệp phải chủ động đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp quản trị mới và các giải pháp công nghệ bất động sản mang tính tương lai nhiều hơn.
"Đây cũng là dịp tốt để tất cả mọi người thích nghi với công cụ trong vận hành doanh nghiệp, trong việc tương tác giao dịch bất động sản. Chính vì mặt tích cực này sẽ làm cho quá trình ứng dụng công nghệ thuận lợi hơn trong mảng dịch vụ bất động sản trong thời gian tới vì khi người ta quen sẽ thấy bình thường và hữu dụng hơn", ông Phạm Lâm nói.
Ở các nước có thị trường bất động sản phát triển đi trước Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ đã giúp tích hợp đồng bộ các giải pháp giúp khách hàng thực hiện hoàn tất các giao dịch bất động sản đến bước cuối cùng như một hệ sinh thái.
Hiện tại Việt Nam, các giải pháp này đã và đang được các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng, dự báo sẽ thay đổi dần hành vi giao dịch, mua bán bất động sản trong thời gian tới.